Tôi xin kể câu chuyện có thật it năm trước:
Buổi chiều, hai nữ sinh viên đi bộ qua cầu Đến giữa cầu, bỗng một thanh
niên nhào tới ôm một trong hai cô gái. Cô kia vội xông vào cứu bạn. Tên
thanh niên buông cho cô đầu chạy, rồi xoay qua túm cô thứ hai. Sau một
hồi giằng co, hắn ném cô gái xuống sông. Khi mọi người đến can thiệp
thì cô gái đã chết chìm. (Được biết hắn ta là một bệnh nhân tâm thần ).
Thử hỏi, tình huống nghiệt ngã kia đã xẩy ra cho cô gái, thì tại sao trong
cuộc sống ngày càng phức tạp, tình huống ấy hoặc tình huống tương tự
lại không xẩy ra cho bạn hoặc người thân của bạn? Và, gặp tình huống ấy
bạn sẽ hành động như thế nào để tự cứu mình?
Tôi tin rằng, nếu bạn chuyên cần tập võ trên dưới một năm, bạn có thể khống chế tên hung
thủ kia một cách dễ dàng. Còn nếu chỉ mới tập ba tháng thôi, thì bạn
vẫn có cách trụ được khiến hắn ta không thể ném bạn xuống sông. Nhưng
đó mới chỉ là nói về kỷ năng tự vệ mà các võ sinh rèn luyện được trong
quá trình tập võ. Còn như tác dụng của võ thì đâu chỉ có thế.
Diễn đàn đã nhận được 12 tham luận về chủ đề “Con gái có nên học võ không?”;
hầu hết của các bạn gái, đang tập võ, xinh đẹp, có cô là hoa khôi của
một trường đại học. Từ góc độ mỗi người, các tham luận đã nêu lên những
lợi ích thiết thực của võ và của việc con gái học võ:
- Trước hết, võ mang lại sức khoẻ. Về mặt này, võ như là môn thể thao hữu hiệu
giúp người tập (đặc biệt các cô gái) khoẻ mạnh hơn, thon thả hơn, tươi
mươi hơn, và đẹp hơn. Ngày nay, tuổi trẻ bị học nhiều quá, căng thẳng
nhiều quá, đến nỗi nhiều bạn bị bảo hoà, trầm cảm, dẫn đến “tâm thần
phân liệt”, điên loạn… Trí óc con người cũng như bộ máy, nếu không có
chế độ bảo trì thích hợp, máy sẽ bị hỏng. Mỗi ngày dành ra từ 30 phút
đến một giờ để tập võ, là thời gian cần thiết cho đầu óc nghỉ ngơi, thư
giản, nhằm trả lại sự thăng bằng, sáng suốt. Nói theo cách nói của
người xưa, võ mang lại cho ta “Một tinh thần minh mẫn trong một thân
thể tráng kiện”.
- Võ, với những bài tập đặc trưng, còn giúp hun đúc nơi người tập những đức tính vô cùng cần thiết. Đó là ý thức tổ
chức, tính kỷ luật, kiên trì, chịu khó, giờ nào việc đó, học ra học
chơi ra chơi…Cái khó của tuổi trẻ ngày nay không đơn thuần là sự thiếu
thốn mà chủ yếu là sự dư thừa, không phải là sự nghiêm khắc mà là sự
nuông chìu. Rất nhiều phụ huynh đã vô tình biến con cái họ thành kẻ yếu
đuối, bạc nhược, thay vì là con người mạnh mẻ, có chí khí, có ước mơ.
Rất nhiều phụ huynh đòi hỏi con họ phải có điểm bài tập thật cao mà
không biết rằng đó không phải là điều cơ bản. Điều cơ bản chính là ý
thức, tinh thần thái độ học tập thật tốt. Võ bổ sung sự thiếu sót đó.
Võ trang bị cho người tập chất thép để chiến đấu và chiến thắng trong
học tập cũng như trong cuộc sống sau này.
- Quá trình tập võ còn là quá trình hoàn thiện nhân cách với những phẩm chất cơ bản: Nhân ái,
cao thượng, thuỷ chung, dũng cảm, tự tin, tháo vát, lanh lợi, ung dung,
trầm tĩnh, đĩnh đạt… Võ có ba tầng số: Võ thuật, dạy cho người tập
những kỷ năng tự vệ và chiến đấu. Võ lý, dạy cho người tập biết tường
tận vì sao có hệ thống kỷ năng đó. Và Võ đạo, dạy cho người tập “đạo
làm người”.
- Đừng quên, tuổi trẻ luôn có nhu cầu giao tiếp.
Đó là một nhu cầu tự nhiên và chính đáng đòi hỏi phải được đáp ứng để đứa
trẻ được lớn lên một cách bình thường. Võ đường, với truyền thống “Tôn
sư trọng đạo”, là ngôi nhà thứ hai sau ngôi nhà của bố mẹ. Ở đó, ông
thầy là người cha, võ sinh là anh em huynh đệ đồng môn. Võ đường là thế
giới thu nhỏ, nó đáp ứng nhu cầu giao tiếp của tuổi trẻ. Qua đó giúp
tuổi trẻ rèn kỷ năng giao tiếp, phép đối nhân xử thế; là một trong
những yêu cầu quan trọng của con người trong thời đại giao lưu hội nhập.
- Cũng đừng quên rằng biết mình là khởi đầu của mọi sự hiểu biết. Trong
đời ai không biết mình thì rồi sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Quá trình
tập võ giúp người tập tự khám phá mình, biết mình, thể nghiệm và thể
hiện mình. Đó là một nhu cầu vô cùng quan trọng của tuổi trẻ mà rất ít
phụ huynh chịu khó quan tâm.
- Trong thời đại giao lưu hội nhập,
quan niệm nữ tính có nghĩa là phải “mình mai vóc hạc”, dịu dàng, hiền
hậu, đã trở nên quá lỗi thời. Ngày nay, để có được sự bình đẳng, bình
quyền với nam giới; để có thể giương danh lập oai giúp đời giúp người
đúng với thiên chức và trí thông minh của phụ nữ; đòi hỏi nữ tính không
chỉ là dịu dàng mà còn phải mạnh mẽ, không chỉ hiền thục mà còn phải
quyết liệt, không chỉ là duyên dáng mà còn phải gai góc… Võ bổ sung mặt
thứ hai kia cho các cô gái.
Tất nhiên, để có được kỷ năng tự vệ
và những lợi ích kể trên, không phải cứ học võ là khắc có được, cũng
không phải có được bằng con đường thuyết giảng khô khan, mà phải trãi
qua quá trình khổ luyện với những qui tắc, những bài tập, những nội
dung từ thấp đến cao, từ dễ đến khó… cho đến một ngày bạn bỗng ngộ ra
bạn đã được chuyển hoá một cách diệu kỳ. Y như người nông dân, cày sâu
cuốc bẫm, bón phân nhổ cỏ, dãi nắng dầm sương… rồi sẽ đến ngày hân hoan
trước đồng lúa chín vàng. Thế đấy, tất cả tuỳ thuộc nơi sự thành tâm và
kiên trì của bạn - cây cải, chỉ trồng một tháng là ăn được, nhưng cây
dừa phải trên sáu năm mới có thể đơm hoa kết trái; tập để chơi vũ cầu
cho khoẻ người, chỉ cần vài hôm là đủ, nhưng đến lò luyện võ để thăng
hoa mình, đòi hỏi phải kiên trì tập luyện một thời gian dài. Mà về sự
kiên trì, trong tập võ, xem ra con gái bền bỉ hơn cánh đàn ông con trai
nhiều.
"Trích dẫn trên mạng"
========================================================================