Đã là người, ai cũng mong có ngày thành công, làm ông này bà nọ. Mà đã là ông này, bà nọ thì trước sau gì cũng một lần nói trước đám đông. Năm người, bảy người, mười người là chuyện nhỏ nhưng vài chục, vài trăm người thì chưa chắc đã nhỏ. Thậm chí, nếu làm chức to một tí, nói chuyện trước vài ngàn người cũng không phải là không có. Nhưng không phải ai cũng có khả năng nói chuyện trước đám đông, ngay cả những người tưởng như là chuyên nghiệp như “giáo viên”. Hôm nay, PTĐL mạn phép chia sẻ 3 lời khuyên nho nhỏ dành cho những ai đã, đang và sắp sửa phải nói trước một đám đông, đặc biệt là các đồng nghiệp. Đây cũng là kinh nghiệm đã được các đàn anh đi trước truyền lại. Rất mong nhận được sự đóng góp và góp ý của mọi người. Xin đa tạ.
1. Bạn có QUYỀN ĐƯỢC NÓI: Không gì tệ bằng việc mất tự tin khi nói trước một tập thể đông người. Bạn toát mồ hôi, bạn run rẩy, bạn hồi hộp, bạn lo lắng, bạn sợ hãi. Đó là những dấu hiệu của sự thiếu tự tin. Đừng lo, không chỉ một mình bạn như thế mà rất nhiều người như thế. Một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu tự tin đó là bạn không chắc về quyền được nói của mình.
Tôi thường thấy nhiều người đứng trước đám đông thì run lẩy bẩy nhưng khi nói chuyện với bạn bè thì hùng hổ, liến thoắng. Đó là vì có một sự khác biệt trong nhận thức của họ: họ tin rằng với bạn bè, họ có quyền nói thoải mái còn với tập thể kia, họ không nên và không có quyền nói vì không có ai muốn nghe họ nói hoặc người ta đang chờ họ nói sai để “ăn thịt” họ. Nhưng thực ra những suy nghĩ đó là sai lầm.
Bạn là một tổ trưởng cần trình bày một kế hoạch hành động của đội sắp tới, bạn có quyền được nói. Bạn là một giám đốc muốn phổ biến một chương trình hoạt động mới cho nhân viên, bạn có quyền được nói. Bạn là một giáo viên đang giảng một bài học mới cho học sinh, bạn có quyền được nói.
Bạn có quyền được nói cho những người đang có nghĩa vụ phải lắng nghe bạn. Bạn đứng đối diện, một mình bạn mặt đối mặt với hàng trăm con người, họ đang chờ nghe bạn nói và họ trao cho bạn quyền được nói. Vậy thì cớ gì bạn lại không tự tin? Có nhiều người đang chờ nghe bạn nói, vậy tại sao bạn không nói? Bạn có quyền nói tại sao bạn lại ngại ngùng? Chẳng lẽ bạn đợi khi mất đi quyền đó bạn mới nói?
Hãy tin rằng bạn đang nói thì sẽ có người lắng nghe và người ta đang chờ xem bạn nói gì và mang đến cho họ những thông tin gì một cách tích cực. Bạn có quyền nói và bạn hãy nói đi.
Chỉ có những con bò mới nói “những điều không thật”
Ở phần trước, tôi đã nói về lời khuyên thứ nhất: Hãy tin rằng Bạn có quyền được nói. Nhưng khi bạn có cái quyền đó rồi, bạn tin vào quyền đó rồi, vấn đề tiếp theo là bạn sử dụng quyền ấy thật hiệu quả (để lần sau người ta còn trao cho bạn quyền đó nữa). Không có cách nào hiệu quả bằng cách bạn hãy tin vào những điều mình nói.
2. Bạn TIN VÀO ĐIỀU ĐÓ: Niềm tin đóng vai trò quan trọng khi bạn muốn trình bày một vấn đề nào đó. Không chỉ tự tin vào bản thân mình mà bạn còn phải tin vào những điều bạn sắp nói. Tin vào nó, bạn mới có tự tin để thuyết phục người khác tin nó. Nếu bạn còn chưa chắc chắn hay còn chưa rõ, đừng nói, dù cho bạn có quyền đó. Vì khi đó mỗi lời bạn nói ra, sẽ là một con dao đâm ngược trở lại bạn.
Bạn đang là một giám đốc đang trình bày về kế hoạch tháng tới của công ty, bạn phải tin rằng kế hoạch đó là khả thi, là thích hợp, là động lực để công ty phát triển. Bạn tin tưởng như thế, nhân viên cũng sẽ tin tưởng như thế. Bạn tin tưởng như thế, bạn sẽ không thể chịu được cảm giác nhân viên không có lòng tin vào kế hoạch đó và bạn sẽ tìm mọi cách để nhân viên chịu tin và thế là nhân viên của bạn đã bị (được) bạn thuyết phục.
Bạn là một giáo viên, bạn tin tưởng vào những hiện tượng, những định luật, những công thức mình đang giảng dạy. Trong khoa học có thể có sự nghi ngờ nhưng trong giảng dạy mọi thứ phải chắc chắn. Bạn tin và hiểu những kiến thức đó thì học sinh mới có thể tin và hiểu sơ sơ. Bạn tin tưởng chắc chắn và hiểu rõ ràng một cách chắc chắn thì học sinh sẽ tin và hiểu thật sự. Ngược lại, sẽ là một sự nguy hiểm khi một ông giáo đứng trên lớp mà còn chưa tin vào những điều mình giảng dạy. Đó không dừng lại ở sự lố bịch mà còn là mối nguy “ngu cả một thế hệ” (Mr. Long)
Tôi có một ví dụ thế này: bạn hãy nói Mặt trời mọc ở đằng Đông. Rất dễ đúng không? Không chỉ đơn giản là thói quen mà còn là vì bạn tin vào điều đó. Còn bây giờ hãy thử nói: Mặt trời mọc ở đằng Tây… Ngượng ngùng phải không? Vì sao thế? Vì bạn chưa tin điều đó. Nhưng nếu giả sử bạn leo lên con tàu vũ trụ và bay ngược hướng tự quay của trái đất, bạn sẽ thấy mặt trời mọc ở đằng tây. Lúc ấy bạn sẽ nói điều đó thật dễ dàng.
Tôi còn nhớ khi tôi đi làm cho chương trình “Tập trung trí tuệ, nắm bắt tương lai”, ông giám đốc Wrigley Vietnam đã yêu cầu chúng tôi phải nhai sing gum trong suốt buổi họp để chúng tôi tin rằng “Nhai sing-gum giúp tăng 40% lượng oxy lên não và có ích cho tập trung” (không có ý quảng cáo đâu nhe!!! Nhưng nếu Wrigley chịu trả tiền thì tui cũng lấy ) để vài ngày sau đó, chính chúng tôi sẽ đi nói cho các em học sinh THPT và sinh viên các trường ĐH về điều đó.
Bạn hãy tin vào những điều bạn sắp sửa nói. Nếu chưa tin, hãy làm mọi cách để có thể tin nó. Nếu vẫn chưa tin, đừng nói nữa. Nói nữa, bạn sẽ không tự tin đâu và chắc chắn bạn không thể thuyết phục mọi người tin bạn. Bài nói của bạn sẽ là một sự khủng hoảng. Và sau khi đã tin, hãy tìm cách nói để người khác tin bạn. Đó là vấn đề kỹ thuật thôi mà phải không? Một khi bạn đã tin, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ có cách làm cho người khác tin.
3. Bạn THA THIẾT MUỐN NÓI điều đó.
Có biết vì sao tôi lại viết bài này không? Mặc dù tôi biết rằng, có không đến 20 người đọc được bài này và chưa chắc đến một nửa trong số đó tin vào những gì tôi viết. Nhưng tôi vẫn viết, vì tôi tin vào những điều này và tôi THA THIẾT muốn nói cho mọi người biết những gì tôi tin.
Tôi dùng từ tha thiết, chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy giống như tôi đang năn nỉ mọi người, làm ơn hãy nghe tôi nói đi. Không, tôi tha thiết mong muốn mọi người hãy nghe tôi nói bởi vì tôi biết rằng điều đó đúng, tôi tin nó và tôi muốn nói cho mọi người biết để mọi người tin nó. Điều đó thật sự thôi thúc tôi phải nói, phải tìm cách để truyền tải được những điều ấy đến cho mọi người.
Trở lại với người giám đốc muốn phổ biến kế hoạch cho nhân viên của mình. Tại sao ông ta phải làm như vậy? Tại vì ông ta muốn nói cho nhân viên biết, muốn họ hiểu, muốn trao đổi với họ, muốn họ làm theo những gì ông ta nói. Đó là động lực khiến ông ta cảm thấy thôi thúc, buộc phải nói với họ, buộc phải tìm ra những cách thích hợp để nhân viên của ông ta hiểu được kế hoạch đó.
Hay nói về người giáo viên, vốn tự tin vào quyền được nói và kiến thức của mình, nhưng cần hơn hết, đó là sự khao khát muốn được truyền thụ kiến thức của mình cho học sinh. Chính điều đó tạo nên niềm say mê trong giảng dạy, tạo nên động lực khiến người giáo viên phải liên tục tìm tòi những phương thức giảng dạy mới để sao cho học sinh có thể nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng đó.
Lời khuyên thứ 3 này thật sự quan trọng. Tôi đã từng đi dự nhiều buổi thi thuyết trình và nhận ra một điều: có những bạn không có giọng nói hay, không có ngoại hình bắt mắt, không có nhiều thủ thuật khi thuyết trình nhưng tôi vẫn hiểu và bị thuyết phục bởi những gì các bạn ấy nói bởi vì tôi cảm nhận được sự tha thiết muốn nói, sự nhiệt huyết trong mỗi lời nói của họ.
Sự tha thiết được nói ấy xuất phát từ một tấm lòng muốn chia sẻ với mọi người, muốn cùng mọi người thực hiện những điều đó, muốn mọi người cùng tin vào điều đó.. Điều này hoàn toàn khác với sự khoe khoang kiến thức, chứng tỏ ta đây biết nhiều hơn mọi người, khác với lối dạy đời, kẻ cả. Tha thiết muốn nói, chính là xuất phát từ một trái tim nhiệt huyết, cùng tìm đến cái Chân - Thiện - Mỹ. Cá nhân tôi không thích động cơ vật chất nhưng nếu các bạn cảm thấy điều đó phù hợp thì tôi cũng không phản đối gì. Nhưng trên hết, đừng bỏ quên tiếng nói trái tim của bạn, bởi nó chính là động cơ vĩnh cửu loại 3 đấy!!!
Vậy thì, trước khi bạn nói chuyện trước đám đông, nếu bạn thật sự không muốn nói, làm ơn hãy tìm cho mình một động lực để nói, còn không, xin đừng bước lên nói trước mọi người. Bởi vì có thể bạn có quyền được nói, bạn tin vào điều đó nhưng thiếu một trái tim nhiệt huyết, lời nói của bạn sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Và cử toạ chỉ có thể nghe mà không thể hiểu được những gì bạn nói. Tôi cam đoan hơn một nửa số người sẽ ngủ gục tại chỗ và nửa còn lại sẽ ra về khi bạn đang nói.
Vậy là xong 3 lời khuyên. Tôi viết không hay, dạo này thật sự viết rất kém và không có thời gian nhiều để chỉnh sửa câu chữ như trước. Nhưng tôi đảm bảo với các bạn, tôi rất tự tin khi nói những điều này với các bạn. Bởi chính bản thân tôi đã từng thử nghiệm 3 lời khuyên này và đã đạt được những thành công nhất định. Giờ tôi tự tin rằng mình có quyền được nói, tin vào những điều này và tôi tha thiết muốn nói với các bạn những kinh nghiệm này của tôi. 3 lời khuyên này không trực tiếp chỉ các bạn phải làm gì khi nói trước đám đông. Điều đó thực tế sẽ dạy các bạn hoặc chỉ cần để ý các bạn sẽ học được. Nhưng 3 kinh nghiệm này của tôi NÊN là những điều các bạn tâm niệm và nhớ kỹ trước khi nói trước đám đông. Bởi nó sẽ là động lực tinh thần rất lớn giúp bạn thực hiện tốt những gì bạn đã chuẩn bị và đảm bảo cho thành công của một bài nói của các bạn.
Vì vậy trước khi nói trước đám đông hãy đảm bảo rằng, bạn luôn nhớ: Bạn CÓ QUYỀN ĐƯỢC NÓI, bạn TIN VÀO ĐIỀU ĐÓ, bạn THA THIẾT MUỐN NÓI. Chúc thành công!
========================================================================